Ai có đầu óc lớn, hãy chọn miền Trung đặt nhà máy, phân phối ra Bắc, vô Nam với khoảng cách như nhau, xuất ra thế giới bên ngoài cũng dễ, lựa nhà máy gần các cảng biển như Vũng Áng, Chân Mây, Liên Chiểu, Chu Lai, Quy Nhơn, Nam Vân Phong.
1. Bữa rảnh, tui lôi 6 cái hộ chiếu ra đếm, thấy được 78 nước rồi (trong liên minh châu Âu cứ đi 1 phát là cả chục nước). Từ năm cuối ĐH là tui bắt đầu đi, hễ có tiền - có thời gian trống là lên đường, thường đi 1 mình vì bạn bè lúc đó đứa ham học lên cao, đứa sợ tốn tiền cứ rủ là kêu tui chụp hình về cho coi với kể, có tiền là tụi nó mua xe mua nhà chứ không có đi chơi, cho là không cần thiết. Tui cũng ít đi với đoàn đông vì lệch tông, chỗ tui muốn đứng lại coi lâu lâu thì họ thấy chẳng có gì hay. Tui ấn tượng nhất ở các di tích cổ đi qua, nơi nào cũng có cái giếng, nơi cung cấp nguồn nước (water supply) cho 1 gia đình hoặc 1 xóm làng, 1 khu phố, như ở Bắc Kinh có phố Vương Phủ Tỉnh (tỉnh là cái giếng, tự hình là 井). Trong
tiếng Anh, giếng là well, trùng chữ với tốt đẹp. Trong trí khôn của nhiều dân tộc, tui thấy có câu, hãy để lại con cháu mình cái giếng, cách đào giếng. Vì cái hồ hay cái bồn chứa nước, cỡ nào cũng sẽ cạn, chỉ có vòi ra mà không có vòi vào, trong khi cái giếng thì múc hết nó lại đầy, lúc nào cũng có nước hết.
Bữa tình cờ gặp anh Hải, cùng đi trong đoàn du lịch ở Triều Tiên cách đây 6 năm. Lúc đó bố mẹ anh mới bán 1 căn nhà ở phố cổ, anh được cho 50 tỷ, oách xà lách, anh nói xài chẳng bao giờ hết. Anh bắt đầu giao du với nhóm doanh nhân có tiền, mua xe sang, đánh golf, hút xì gà, uống rượu Tây..., họ có nhà máy xí nghiệp nên hết tiền lại có, còn anh thì cứ lấy tiền trong thẻ ra quẹt. Vừa rồi gặp, anh nói giờ chỉ còn vài trăm triệu trong tay, tiền cứ ra mà không có vào, ti tỉ tì ti khoản phải chi mỗi ngày em ơi, không như mình nghĩ là ăn ba đời không hết. Tui chợt nhớ đến cái bồn và cái giếng. Là phụ huynh, hãy cho con cái mình cái giếng, tức 1 nghề trong tay. Đứa có tư chất thì chỉ cho cách đào giếng, để nó tự tạo ra nguồn nước mới. Ai hiểu thì đọc tiếp phần 2.
2. Tui chỉ biết 1 lĩnh vực nhỏ là làm ăn thật, theo kinh nghiệm và quan sát, các bạn xem mình thuộc hệ nào thì dấn thân vô ha. Thường có 2 nhóm người làm ra tiền nếu chọn con đường kinh tế (các bạn chọn con đường khác thì tui không biết, nhắc lại là chọn con đường kinh tế làm ăn).
(1) Người lanh lợi miệng mồm, linh hoạt về đầu óc, bặt thiệp ưa giao tiếp, hiểu uy tín là tất cả, yêu nghề của mình - kính nghiệp của người, tiền bạc phóng khoáng và tự tin mất làm lại được, không ngại ngùng, yêu thích phục vụ người khác, biết thích nghi cao độ và tạo cảm hứng cho người gặp gỡ....thì chọn con đường thương mại, dịch vụ. IQ phải từ mức khá trở lên, EQ cao.
(2) Người xốc vác và tháo vát, làm lụng quen chân quen tay, chịu được sự cực khổ, mỏi mệt về tay chân, có óc quan sát và sắp xếp, có óc logic và tỉ mỉ, kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ, nói ít nhưng chắc chắn, bình tĩnh và hơi lạnh, nghĩ là triển là làm, chứ không có ngồi ước mơ hay dự định, có thể 1 mình ngồi làm tới làm lui hoài cho ra được SP mình muốn, thấy không quen gặp gỡ cười múa hát trên bàn tiệc, không thích ngồi máy lạnh....thì chọn con đường sản xuất. IQ cao, kỷ luật cao, EQ sao cũng được.
- Nhóm (1): đầu tiên chưa có vốn thì mình đi làm kiếm vốn. Có thể làm cộng tác viên, làm trung gian, làm môi giới. Ăn hoa hồng, tích luỹ. Có thể theo anh Tiến ở dưới còm nếu không có xu dính túi, ảnh sẽ đào tạo cho. PHẢI LÀM THẬT MỚI CÓ VỐN, CÓ KINH NGHIỆM BÁN BUÔN.
Sau khi có vốn, bắt đầu tự chủ. Nhập thử 1 lô, đi phân phối chỗ này chỗ kia. Để có một lượng bạn hàng quen, chuyên lấy mối từ mình.
Có vốn, có mối mang rồi, thì mình đặt gia công (nghĩa là nhờ 1 đợn vị chuyên sản xuất gắn thương hiệu mình vô, mình sẽ đặt nguyên lô giá sỉ). Apple cũng gia công Iphone chứ họ không có nhà máy sản xuất. Miễn là làm thương hiệu tốt, có hệ thống tốt là được.
Sau đó nữa, có vốn vài chục tỷ vài trăm tỷ rồi, thì chọn, hoặc thành nhà buôn lớn, buôn mọi thứ, có hệ thống phân phối như các cửa hàng (mô hình Bách Hoá Xanh, Thế Giới Di Động, Coopmart, BigC....) hoặc đầu tư thêm vô sản xuất.
- Nhóm (2): Chưa biết làm gì thì cả ngày lượn lờ ở siêu thị or hội chợ triển lãm, đi nước ngoài càng tốt. Chọn 1 SP mình ưng ý, mua sample (mẫu) cỡ vài chục cái về tháo banh chành ra để coi, xong mày mò làm. Đầu tiên ở quy mô góc bếp, góc nhà. Mua cái máy nhỏ xíu tập làm ra SP. Rồi cái máy to hơn. Rồi tới dàn máy chạy theo quy trình. Đầu tiên làm góc nhà, rồi lên cái xưởng nhỏ, rồi bán cái xưởng nhỏ đó đi, vay thêm tiền vô khu công nghiệp mà làm. Sau tuyển nhóm kinh doanh, phụ mình đi các triển lãm quốc tế lớn, tìm thêm đơn hàng về. Trổ tài thao lược, kinh bang tế thế.
*Ai có đầu óc lớn, hãy chọn miền Trung đặt nhà máy, phân phối ra Bắc, vô Nam với khoảng cách như nhau, xuất ra thế giới bên ngoài cũng dễ, lựa nhà máy gần các cảng biển như Vũng Áng, Chân Mây, Liên Chiểu, Chu Lai, Quy Nhơn, Nam Vân Phong. Mô hình của Thaco, họ chọn Chu Lai đặt nhà máy nên thành DN sản xuất ô tô thành công nhất VN, riêng nộp tiền ngân sách cho tỉnh Quảng Nam năm 2022 đã 25 ngàn tỷ, giúp 20000 người có việc làm. Coi bác ấy làm cái gì, tư duy như thế nào thì mình làm theo. Đó là cách 1 dân tộc chỉ nhau cách "đào giếng".