Chắc các bạn từng đọc bài “Hùn hạp làm ăn”, cứ 3 anh A,B,C hợp tác sau vài năm rùi tan vỡ, bạn bè anh em đang là cổ đông đối tác biến thành người xa lạ. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp thành công, cùng nhau đồng tâm hợp sức xây dựng nên những doanh nghiệp vững mạnh.
Một số bạn thấy ngoài xã hội có nhiều trường hợp hùn hạp thất bại như vậy nên sợ, nói thôi tự làm một mình. Nhưng nếu tự làm 1 mình thì sao đủ lực. Vốn cùng cần hùn. Sức cần hùn. Trí cần hùn. Chứ 1 mình thì không đi xa được. Vậy ai có thể chọn để hùn đây?
Trong tiếng Việt, hùn hạp là 1 từ hay. Hạp mới hùn. Nhưng hạp là 1 tính từ thay đổi theo thời gian, nay hạp, mai hết. Hết hạp thì cãi nhau. Nhiều bạn học, hồi đi học thấy hạp nhau quá, nên sau khi tốt nghiệp thì rủ nhau làm ăn. Vài ba năm tan vỡ, các buổi họp lớp từ đó không đầy đủ nữa.
Các bạn còn nhớ chuyện
Tony giải tán nhóm kinh doanh chứ? Vì nhiều bạn trong đó chưa chi đã đòi chia lãi. Người này đòi phần hơn người kia. Như vậy, việc “CHỈ NGHĨ ĐẾN LỢI ÍCH CÁ NHÂN” là điều kiện đầu tiên để mình nhận ra người không nên hùn hạp. Kiểu người tiểu nông, “đèn nhà ai nấy rạng, gió chiều nào che chiều ấy” thì cà phê cà pháo cho vui, TUYỆT ĐỐI không hợp tác làm ăn.
Đặc trưng của nhóm này là sẵn sàng xé rào để được việc. Nếu kẹt xe, họ sẵn sàng chạy trên lề để nhanh hơn người khác. Xếp hàng, sẵn sàng chen ngang để mình được phục vụ nhanh hơn. Cái gì của chung họ cũng tha về cho gia đình họ, bất chấp đạp đổ cổng trường để con họ có 1 suất học tốt hay giật đồ cúng trên bàn thờ đức thánh Trần để có “lộc làm ăn”, hay đem hết hoa ở Bờ Hồ về nhà, người đi đường bị ngã bay tiền thay vì giúp họ nhặt lại thì đút vào túi riêng. Cứ cái gì miễn phí là họ mò đến, cái gì tốn tiền tốn công thì họ biến mất. Cứ quyền lợi là tranh giành còn nghĩa vụ thì “tôi không ngu”. Hợp tác với người này, tan vỡ là SỰ HIỂN NHIÊN. Nên trong hội đồng quản trị có thể loại này, thì giải tán cho xong, hoặc mình rút lui thật sớm.
Vậy yếu tố đầu tiên để nhận lời hùn hạp làm ăn là sự
HÀO SẢNG của người rủ. Hào sảng là sự cho đi không toan tính, nghĩ về người khác nhiều hơn nghĩ về cái lợi cá nhân mình. Hào sảng là sự chịu chơi, chơi đẹp mà không vì mục đích sĩ diện (có một số người cũng giả vờ
hào sảng nhưng cốt là để lấy được sự nể trọng của người khác). Các bạn trong đội tình nguyện là một dạng người hào sảng. Vì các bạn sẵn sàng thức nguyên đêm thứ 7 để chuẩn bị chủ nhật bán hàng, tiền lãi dành mua áo ấm cho em nhỏ vùng cao chẳng hạn, thì đây là người có thể hy sinh lợi ích cá nhân vì người khác. Nên các bạn có thể làm ăn với nhau. Lưu ý chữ CÓ THỂ, vì còn thiếu 1 ĐK nữa là ĐK đủ, sẽ nói ở bài sau.
Còn với ai suy nghĩ “có điên mới làm cho thằng khác ăn”, thì phải tránh thật xa. Họ không nghĩ về người khác, không nghĩ cho người khác, thì họ sẽ tư lợi khi không ai kiểm soát. Họ sẽ vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông. Họ sẽ quay bài khi không có giám thị. Họ sẽ đút túi 1 quả ớt khi chị bán rau mãi đếm tiền. Họ sẽ nói dối ngay để được lợi cho mình. Họ sẽ lấy tiền công ty cho chi tiêu cá nhân. Công ty cấp cho họ 1 số ĐT để liên lạc công việc, họ dùng để gọi việc cá nhân, dù họ có 1 số ĐT riêng nữa. Việc này không vặt vãnh tí nào, nó thể hiện cái nhập nhèm của mấy đứa tào lao bí đao. Công ty nào có thành phần đó trong hội đồng sáng lập, công ty đó sẽ đóng cửa, dù sớm hay muộn.
Đây là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, các bạn theo dõi ở bài 2. Bạn trẻ đọc lại và học thuộc bài 1 trước khi học bài 2 nhé.
...............................................
100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70
Xem thêm:
Hùn hạp làm ăn