Đầu ra là cái quan trọng nhất của bất cứ doanh nghiệp nào. Dù là sản xuất hay dịch vụ, nếu không có đầu ra, tức không bán được hàng, doanh nghiệp đó sẽ phá sản. Muốn bán được hàng, thì nhân viên bán hàng phải có tư duy hết sức nhạy bén, thông minh, giỏi giang...để khi có một nhu cầu, thì mọi giá phải đáp ứng được.
Bạn
Tony làm ở văn phòng thu mua một công ty của Mỹ cho biết, các nhân viên quản lý đơn hàng của Việt Nam rất thụ động trong việc giới thiệu sản phẩm, dù tốt nghiệp ĐH ngoại thương, kinh tế, hay
ngoại ngữ, học hành lý thuyết rất kinh nhưng tư duy thực tế không có, cứ có gì bán đó, không nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu khách hàng gì cả.
Có lần công ty bạn thay vì đặt món cá ngừ ngâm dầu truyền thống, bạn đặt một món rất mới là cá ngừ ngâm nước muối đóng hộp, mặt hàng này chỉ có người nội trợ làm ăn chơi chứ chưa có hàng công nghiệp. Bạn mail qua một công ty thuỷ sản Việt Nam đang cung cấp cá ngừ ngâm dầu cho bạn xưa nay, bạn nhận được email trả lời vào ngày hôm sau là "chúng tôi không có sản phẩm này, thanks and best regards, Lê Văn Tèo".
Bạn gửi sang một công ty Thái Lan, 1h sau nhận được email của nhân viên XNK công ty này, nói "mặt hàng cá ngừ ngâm nước muối chúng tôi chưa sản xuất, nhưng chúng tôi muốn thử nghiệm. Bạn gửi quy cách, chúng tôi sẽ làm mẫu, nếu mẫu đạt, chúng tôi sẽ báo giá. Cám ơn. Kẹo La Thon".
Còn khi bạn gửi qua một công ty ở Quảng Châu, ngay lập tức nhận được email phản hồi. "Tôi là Lý Bội Bội, tôi là nhân viên mới của công ty. Tôi vừa search trên internet, công thức này hoàn toàn làm được. Chúng tôi đã cho phòng thí nghiệm làm theo 3 công thức phổ biến trên mạng là 1% muối, 2% muối và 10% muối của các bà nội trợ Mỹ . Quý khách cho biết quy cách, chúng tôi hoàn toàn làm được và đã triển khai, báo giá sẽ gửi vào cuối giờ chiều nay". Vừa dứt lời, đâu mấy h sau, trên website công ty này lẫn trên mạng thương mại alibaba hiện ra danh mục sản phẩm mới của họ là cá ngừ ngâm nước muối đóng hộp. Rồi họ email, gọi điện ép mua không, mua đi, thậm chí làm xong mẫu thật gửi sang, post lên internet..làm công ty Mỹ ấy sợ quá, phải bay qua ký hợp đồng độc quyền liền. Thậm chí nếu công ty Mỹ ấy ký với công ty Thái Lan, thì công ty Quảng châu sẽ vẫn có thể nhận được đơn hàng từ các khách hàng khác. Cứ một inquiry tới tay họ, thì không bao giờ thoát ra được. Thậm chí họ còn nhân lên hàng chục inquiry khác, họ tạo ra nhu cầu để bán hàng (create demand) của nhân viên bán hàng thông minh, giỏi giang, lanh lợi.
Năng suất lao động không chỉ là sức khoẻ cơ bắp...mà còn là tốc độ và sự nhanh nhẹn, sáng tạo của tư duy. Nên thuê một người Singapore, lương mấy ngàn / tháng nhưng yên tâm vì tiền nào của đó, vì họ sẽ mang về cho công ty mấy chục ngàn/tháng, thậm chí mấy trăm ngàn đô. Còn cũng có những người, cả tháng làm không ra đồng nào, thậm chí không bán được hàng cho công ty nhưng cũng bình thân như vại. Cứ khách hàng gửi mail đến hay gọi điện đến là "chúng tôi không có hàng này" nên không trả lời hoặc ỉm mất email đó, hoặc hỏi đồng nghiệp "công ty mình có cái này không mậy" và chắc chắn đồng nghiệp cũng sẽ ngáo ngơ "không có". Nếu cậu Tèo biết thông báo cho ông giám đốc công ty thuỷ sản nọ, thì có thể ông ấy sẽ chỉ đạo khác. Khổ nỗi ông giám đốc này thuộc thế hệ cũ không biết
tiếng Anh, cứ phụ thuộc mấy cô cậu kinh tế ngoại thương kia, cứ thấy từ sáng đến chiều ôm cái laptop gõ gõ...tưởng là làm việc chăm chỉ lắm, hoá ra chỉ chat chit facebook tào lao. Thấy sếp vô thì giả bộ làm việc tí, còn lại thì dí dỏm hài hước với đồng nghiệp trong văn phòng và bạn bè trên facebook cả ngày. Chỉ có cái tào lao không ra tiền là giỏi.
Nhiều bạn thực tập sinh hay nhân viên thử việc vào vị trí bán hàng, mấy tháng trôi qua vẫn không có đơn hàng nào, than thở nói bị công ty sa thải. Hỏi bạn nguyên nhân thì bạn nói tại công ty không có hàng bán, tại hàng hoá công ty vấn đề này vấn để kia, tại thị trường không ai mua, tại khách hàng hỏi hàng nhưng không gọi lại, tại em đi tiếp thị họ không tiếp, tại lối giáo dục lý thuyết không chỉ em cách bán hàng (mọi ĐH hàn lâm trên thế giới không ai dạy
kỹ năng, kỹ năng tự tích luỹ qua thực tế), vâng vâng và vâng vâng. Mọi nguyên nhân khách quan và do, bởi, tại, vì,....
Trừ nguyên nhân cơ bản nhất thì không đá động gì tới.
Với cái tư duy ấy thì làm gì ra tiền?
(còn tiếp)