Bài này đặc biệt hữu ích cho bạn nào muốn trở thành công dân toàn cầu hay một nhân viên kinh doanh giỏi. Ăn là cái đầu tiên trong tứ khoái của con người. Với người Việt mình, cái ăn nó quan trọng vì mấy ngàn năm trong lịch sử, chiến tranh và đói kém liên miên.
Nên mới có ăn giỗ, ăn Tết, ăn cưới, ăn mày, ăn xin, ăn năn… cái chi cũng liên quan đến việc ăn. Thậm chí một bác sĩ thường nói với người nhà bệnh nhân bị bệnh nan y là thôi đem về, coi muốn ăn gì thì cho ăn, nói vậy là biết rồi, trước khi rời khỏi cuộc đời, nên nếm được nhiều của ngon vật lạ. Tây cũng vậy thôi, họ cũng hay đưa ra danh mục các món ăn phải ăn trước khi chết.
Đặc trưng lớn nhất của ẩm thực chính là quan hệ với sản vật thiên nhiên ở địa phương. Nếu ở nơi cây trái tốt tươi, tôm cá đầy sông như miền Tây Nam Bộ chẳng hạn, thì ẩm thực ở đó phong phú hơn vùng cát trắng nắng chang chang như Phan Rang. Tương tự thì ở Thái Bình các món ăn sẽ đa dạng hơn ở cao nguyên đá Đồng Văn Lũng Cú. Có lần dượng đưa đoàn khách Việt Nam đi Ấn Độ, đến ngày thứ ba là khách bắt đầu ngán, nói sao ăn gì cũng mùi cà ri không vậy, lại chả có rau ăn lá gì cả. Rau ăn lá chỉ dừng lại ở salad bắp cải còn chủ yếu là củ và quả như cà rốt, hành tây, dưa leo, củ cải, bầu bí và hết. Nên có ông khách đại gia ở miền Tây nổi cáu, nói mày tiếc tiền chứ đưa vô khách sạn năm sao thử coi, tụi tao muốn ăn rau muống xào tỏi, rau lang luộc, canh mồng tơi rau đay nấu tôm, tao muốn ăn canh chua cá kho tộ.
Tony nói anh à, thiệt là không có. Ổng chửi quá nên cũng dắt vô ăn buffet ở khách sạn lớn nhất New Delhi, ổng đi một vòng coi hết các món ăn và nói biết vậy tao ở nhà cho rồi.
Ở xứ Ấn hay Ả rập, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm nó cao, nên rau ăn lá không có nhiều, và dẫn đến tập quán ăn uống như vậy. Cũng vì khí hậu nên họ phải tẩm ướp thịt cá với các loại gia vị cay nồng, mới có thể bảo quản được lâu. Chưa kể là thói quen ăn bốc bằng tay, nên canh cua rau đay sao bốc được. Cũng vì thói quen ăn bằng tay mà các nước như Indo, Philippines…,dù rau ăn lá cũng tốt tươi nhưng họ không thể ăn giống mình, mà lại chủ yếu ăn đồ nướng, các món đều trộn nước cốt dừa sền sệt để bốc lủm vô miệng cho dễ. Nên dân vùng này mụn thôi là mụn, lại béo bụng chứ không có “thon thả giọt đàn bầu” như dân mình.
Còn Trung Quốc thì khí hậu mùa đông khắc nghiệt, nên họ ăn dầu mỡ nhiều, món rau nào cũng xào và mỡ có khi ngập dĩa. Vùng Nội Mông hay Tân Cương thì lại nấu cơm bằng mỡ cừu, nên nếu mình dị ứng với mùi cừu thì đi mấy vùng nay, tốt nhất là thủ một vali đầy mì gói. Người Hàn thì cái gì cũng kimchi, thậm chí phở Hoà ở Seoul dọn kèm dĩa kim chi thay vì dĩa rau thơm. Ở Nga hay Đông Âu, các món của họ mặn hơn khẩu vị của mình, như món thịt muối, cá hồi xông khói mặn đắng luôn nếu mình không ăn kèm với olive hay dưa leo ngâm chua.
Nói như vậy để mình chuẩn bị kiến thức về ẩm thực trước khi đi sang đó. Ăn uống nó quan trọng, mình đi dài ngày, không thích ứng được với thức ăn địa phương đó thì sẽ không có sức để làm việc hay học tập. Nếu quen cứ sáng nào cũng phải điểm tâm bằng một tô phở, trưa phải ăn lòng lợn lá mơ, tối phải đủ 3 món canh mặn xào, thì việc hoà nhập với bên ngoài hơi khó. Như dượng, từ lúc xác định mình đi làm thương mại quốc tế, phải tập ăn uống quốc tế luôn. Có những bữa tự dượng phải lên nhà hàng Ấn Độ, thử hết mọi món từ “nan” đến “masala”, nên qua Ấn ở vài tháng chả sao. Hay có bữa dượng không ăn cơm, ăn bánh mì bơ tỏi, thịt nguội, xúc xích, khoai tây cho quen. Hay bữa nào tiền rủng rỉnh tí thi vô sushi bar ăn đồ sống của Nhật, ban đầu cũng không quen, nhưng sau này thì ghiền luôn. Hay dượng ráng ăn thịt cừu, thịt nướng kebab, fastfood, dù thấy chẳng ngon lành gì. Mình tập vậy để đi công tác, sau một ngày làm việc cật lực, tối về thì lại tiệc tùng nhậu nhẹt, hôm sau lại phải di chuyển với những khoảng cách rất xa. Mình mà ăn uống khó quá, chỉ 3 ngày là đuối. Như cái anh đại gia hôm ở Ấn Độ, hôm sau đi gặp gỡ thương mại, ảnh không đi nổi, chỉ nằm ở khách sạn thoi thóp với mấy gói mì tôm chờ hôm sau nữa thì về nước, trong khi mấy đối tác khác thì lên hội chợ gặp tay bắt mặt mừng, hợp đồng ký quá trời. Anh đại gia nọ thì lỡ hết các cơ hội, nên chỉ về bán cho đại lý dưới ruộng dưới vườn, để ăn cá kho tộ canh chua suốt ngày chứ buôn bán quốc tế hẻm được.
Hồi đó dượng có tuyển 1 nhân viên làm kinh doanh, mọi thứ đều hoàn hảo trừ ăn uống. Nên khách nước ngoài qua, nó nói thôi Tony à, mày cho bạn này làm văn phòng hay cho nghỉ việc đi, chứ kinh doanh không hợp. Cá da trơn không ăn. Gà thì sợ ngứa. Hải sản dị ứng. Chuối thì nói hôi. Heo bò chỉ ăn nạc mềm, chỉ luộc không được nướng. Sữa không tiêu hóa được. Hành ngò tỏi tiêu ớt sợ nóng nổi mụn. Cà phê đắng. Trà mất ngủ. Nên đi ăn với nó, thấy chén cơm với nước mắm trong veo. Hỏi ra mới biết do từ nhỏ mẹ nó bảo thủ nên ăn suốt ngày cứ cà pháo mắm tôm rau dền luộc quất tới, nên nó chỉ ăn được mấy món đó. Lớn rồi sửa không được, thanh niên trai tráng thay vì cởi mở thì lại bảo thủ kiên quyết xưa sao giờ vẫn vậy, không dám thử. Nên chơi rất chán và cũng thấy tội. Nhiều cơ hội trải nghiệm với thế giới bên ngoài bị bỏ qua.
Chúc các con tự tin xách giỏ ra thế giới bên ngoài làm việc, học tập, vui chơi mà không phải gặp rào cản nào. Nếu mình nghĩ mình là cá mập thì phải bơi ngoài đại dương, cá ngừ cá kiếm thì ngoài biển, cá hô cá chép thì ra sông mà vẫy vùng. Chứ quanh quẩn trong ao làng làm chi, giành thức ăn chi với mấy con lòng tong tội nghiệp. Còn mình lười học tập, lười lao động, nói cái gì cũng cãi, cuộc sống ngày hôm nay chẳng khác gì ngày hôm qua thì suốt đời chịu phận cá lòng tong. Nhung nhúc ở trong ao, lâu lâu có thằng xuyệt điện nó dùng bình ắc quy nó rà 1 phát, thì phơi bụng trắng xóa và nằm hết trong nồi cá kho tộ.
Nói cái thèm cá lòng tong kho tộ quá à. Kho nồi đất sền sệt, bỏ tiêu thiệt cay héng, trời mưa mưa lạnh lạnh, cơm trắng mới nấu lên. Trời ơi, ăn 4-5 chén cơm vẫn chưa no.
Nhưng đến chén thứ 6 thì no.
Theo giáo trình 100 bài học làm giàu, tài liệu của học viện West Point dành cho các bạn trong CLB con dượng TnBS