Mô hình nhà dưỡng lão cao cấp là một mô hình vô cùng hay, vài chục năm nữa, giới trẻ tiến bộ bây giờ sẽ già và có xu hướng sống khu vực các resort dưỡng lão 5 sao, nơi tập trung bạn bè ngày xưa để không làm phiền con cháu. Tuổi già là lúc rảnh rỗi rong chơi sau một thời mệt nhoài tuổi trẻ. Cứ đau ốm bệnh tật than khóc vì cơ thể đã lão hoá....sẽ ảnh hưởng tinh thần thế hệ sau, mang năng lượng tiêu cực nếu như sống chung với chúng. Mình cùng nhau gãi lưng tuổi già.
Người già thế hệ mới nên tích luỹ tiền khi còn trẻ và chủ động rời đi chứ con cháu không dám xa, sợ mang tiếng và sợ các cụ buồn. Nhưng trong lòng, cả 2 đều thấy không vui. Nên nhà dưỡng lão phải có loại đẳng cấp cao, sang trọng, có bác sĩ y tá thường xuyên....và thay đổi quan niệm nhận thức của xã hội về chữ HIẾU. Con cháu chỉ thường xuyên ghé thăm cha mẹ ở các resort dưỡng lão này thay vì sống chung, sẽ tốt hơn rất nhiều. Có sự cố gì thì bác sĩ y tá túc trực, xử lý sẽ giúp thọ hơn là gọi con cháu từ cơ quan chạy về đưa đi. Bạn bè từ thuở cấp 1 sẽ rủ nhau vô đó sống, sẽ sáng sớm là "hít vô nhè nhẹ, thở ra chầm chậm", rồi sau đó quánh bài tứ sắc tiến lên phỏm phiếc, chơi cờ bơi lội thể dục dưỡng sinh trồng hoa bắt bướm. Mặc bikini 1 mảnh hay 2 mảnh mà lép xẹp thì cũng chả ngượng gì, vì ai ai cũng màn hình phẳng. Bị mất trí nhớ do Alzheimer có nhiêu chuyện đó kể đi kể lại cũng chẳng sao. Bị Parkinson vẫn khiêu vũ cha-cha-cha như thường, có sao.
Về hưu là không màng thế sự nữa, chuyện danh lợi là chuyện của người trẻ. Mình chỉ còn sống rất ngắn thời gian, không tham, sân, si chi. Có thêm cỡ nào thì đồng hồ cát đời người cũng có vậy, không ai sống được quá trăm năm mà minh mẫn khoẻ mạnh.
Nếu tầm vóc mình thuộc hạng phong lưu,
hào sảng thì dốc lòng cho đi, còn không đủ đẳng cấp thì thôi, cũng đừng lấy thêm vào. Có trăm hecrate, có ngàn biệt thự, địa vị cỡ nào thì khi chết vẫn là hết. Con cháu tự nó làm ăn, không nên can thiệp, mình già rồi. Cứ "khi chén rượu khi cuộc cờ, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" cho nó phong lưu 1 đời người. Thành phố là chốn kinh kỳ, bon chen tuổi trẻ. Về hưu là về thôn quê mà sống cho có khí trời. Già mà bon chen trà sữa với shopping mall là tụi nhỏ nó nói chết.
Chết là hết. Đất đai là cho người sống để sản xuất làm ăn. Việc chôn cất chiếm nhiều diện tích là không văn minh, bất động sản nghĩa trang ở nhiều nước đã cấm rất triệt để. Chết, hoả táng sạch sẽ coi như về cát bụi, một lọ tro nhỏ trong 1m2 đất nghĩa trang xa thật xa, đầy hoa thơm bướm lượn là quá đẹp cho THE END. Con cháu nhớ thì làm đám giỗ, bận quá thì thôi, khỏi làm cũng được. Cho ăn thì lúc còn sống thì cho chứ chết rồi, bày sơn hào hải vị lên trên bàn thờ đó có ý nghĩa gì. Toàn cúng thứ chúng nó muốn ăn chứ cúng xong, thấy có mất miếng nào đâu. Rồi cũng chẳng cần mấy tấm hình to đùng để trên bàn thờ nữa, cứ ngồi trên đó nhìn ngó mấy đứa nhỏ, tụi nó sợ. Hình ảnh là để lưu lại trong trái tim người khác. Lúc sống mình tử tế thì hình ảnh này sẽ không bao giờ nhạt nhoà, còn nước thuốc rửa hình dù tốt cỡ nào cũng có sẽ lúc phai.
Việc xây các hoa viên chôn cất là lãng phí tài nguyên rất kinh khủng. Người cứ sinh sôi, rồi chết đi, đất không nở thêm ra....nên việc chôn cất cả cái quan tài (địa táng) là tốn kém, quan niệm mồ to mả đẹp là rất lạc hậu, cần phải từ từ có nhận thức mới thay thế. Ở các nước văn minh, khi sống có thể không công bằng. Anh có biệt thự, anh có chung cư, anh vô gia cư ngủ ở hè phố, kẻ nổi tiếng, người vô danh...nhưng khi chết thì đều đốt xác hết, rồi 1 lọ tro nhỏ xíu bỏ vô nghĩa trang là một công viên, ai ai cũng 1m2 như nhau, có tấm đá nhỏ ghi tên tuổi và hoa trồng xung quanh. Đời người, muốn làm gì thì làm cho đã, cho bõ khi còn sống, chứ không phải chần chừ hẹn kiếp sau. Kiếp sau có hay không thì không ai biết, nên kiếp này, phải chủ động sống cho tử tế, nhân ái và thành tựu.