Thành Nha XYZ
    • Ăn trưa cùng Tony
    Ăn trưa cùng Tony
    (Today a reader, tomorrow a leader!)

    Chuyện về 4 người đàn ông

        24.498    4.27/5 trong 13 lượt 
    Chuyện về 4 người đàn ông
    Đây là câu chuyện quan trọng mà team TnBS muốn các bạn đọc lại, nếu được, đọc lại 2 lần trước khi team chia tay với các bạn 1 thời gian. Những khái niệm như khởi nghiệp, startup, giờ đã rầm rộ.
    Những khái niệm về chia sẻ, coaching, mentee, mentor,....cũng đã diễn ra sôi nổi, thế hệ doanh nhân trước đã bắt đầu chia sẻ cách làm ăn cho thế hệ sau, điều này chưa từng xảy ra trước đó trong lịch sử dân tộc Việt. Văn hoá đọc sách trở nên một phần không thể thiếu. Những trí thức người Việt lớn ở nước ngoài đã mạnh dạn trở về, gặp gỡ trao đổi với giới trẻ. Người trong nước, dù khác biệt về ý thức hệ, cũng đã thôi hoài nghi nhau. Có thể nói, trong lòng người Việt đã có sự xích lại rất nhiều. Những người trẻ không có cơ hội đã được trao cơ hội, dẫu vấp váp, dẫu sai lầm, dẫu được hay mất gì thì cũng đã có nhiều trải nghiệm. Những bạn trẻ thú vị, hay ho đã lần lượt xuất hiện trên TnBS để các bạn theo dõi FB riêng của họ. Sứ mạng của TnBS đã gần hoàn thành, nên xin phép tạm biệt các bạn 1 thời gian. 
     
    TnBS sẽ quay lại, với 1 chủ đề mới, lần này không còn các nội dung làm ăn kinh tế như trên nữa, mà chỉ chia sẻ về văn học, mỹ thuật, thơ ca, hội hoạ, kiến trúc, thiên văn,....
     
    Các bạn cùng đọc bài viết thay lời tạm biệt dưới đây. Mãi yêu quý các bạn. 
    -------------------------------------------------------------------
     
    Một tên cướp một hôm lẻn được vào nhà vị bác sĩ duy nhất trong vùng, dự định chờ ông ngủ sẽ khống chế, bắt ông đưa của cải rồi sẽ giết ông để diệt khẩu. Nó đợi mãi mà vẫn thấy ông làm việc. Trời đã 1h sáng, đột nhiên có điện thoại gọi báo một đứa trẻ làng bên đang bệnh rất nặng, nhờ ông giúp. Lúc ấy là vào mùa đông, bão tuyết vần vũ, làng đứa trẻ bị bệnh lại cách xa một quả núi, đi đến đó nhiều nguy hiểm, trượt chân xuống núi thiệt mạng là điều rất có thể xảy ra, mà ông đã có một ngày quá mệt mỏi. Gác điện thoại, ông bác sĩ thở dài đi đến giường nghỉ. Nhưng rồi ông lẩm bẩm mình không đi ngay bây giờ lỡ đứa trẻ có thể chết thì sao. Vậy là ông mặc thêm áo, cầm theo cây đèn bão, ông mở cửa, ra đi. Dáng ông liêu xiêu trong gió tuyết. Sáng hôm sau khi ông bác sĩ trở về, tên cướp đón ông ngay trước cửa nhà, sụp xuống dưới chân ông: “Ông có biết tôi chờ ông suốt từ đêm qua tới giờ không?”
     
    “Xin ông vào nhà ngồi đi, rồi để tôi khám bệnh cho ông.” – Bác sĩ đáp. 
     
    Tên cướp nói: “Không. Tôi là một tên cướp. Đêm qua tôi đã ẩn nấp trong nhà ông. Tôi muốn bắt ông khai ra chỗ giấu của cải và sẽ giết ông. Nhưng đêm qua giữa trời gió tuyết ông đã bất chấp nguy hiểm và cái chết để đi chữa bệnh cho người ta. Tôi đã rất xấu hổ. Khi ông ra đi trong đêm, ông không chỉ cứu đứa trẻ làng bên kia, mà còn cứu chính bản thân ông. Và ông còn cứu cả tôi nữa”.
     
    Các bạn thân mến, mỗi con người tồn tại trên quả đất đều đang nhận về mình rất nhiều, từ tia nắng ấm áp của ngày mới đến giọt nước ngọt mát lành, từ khí trời trong veo đến cơn gió dịu nhẹ. Chúng ta nhận nhiều từ tự nhiên và cũng nhận nhiều từ những người khác. Và rất nhiều người nhận mà không nhớ. Và đến khi cho đi, thì lại rất khó khăn. 
     
    Con người bản năng luôn nghĩ đến mình trước nhất, như lời một bài hát “cuộc đời khi có cho không, rồi khi túng thiếu, hỏi người có đòi được không?”. Dân gian xưa thậm chí còn nhắc nhở nhau đừng vội giúp đỡ kẻ khác, vì con người luôn và mãi là giống bội bạc, vô ơn, “cứu vật, vật trả ân - cứu nhân, nhân trả oán”. Nhưng tôi tin rằng lúc thốt lên lời cay đắng như vậy chắc ông bà ta cũng chỉ giận lẫy nhất thời thôi, vì rồi ông bà lại nhắn nhủ nhau phải biết sống vì người khác, phải “thương người như thể thương thân”, phải biết cho đi, “làm phúc cũng như làm giàu”. 
     
    Tại sao chúng ta lại phải biết chia sẻ, cho đi? Bởi vì “không có ai nghèo vì cho đi cả” (Anne Frank). Ngày chúng ta cất tiếng khóc chào đời để đến trái đất này, chúng ta chỉ là một đứa bé không có gì. Ngày nhắm mắt ra đi, chúng ta cũng vậy. Dù thông minh xinh đẹp giàu có hay địa vị cỡ nào, rồi tất cả chúng ta đều phải xuống tàu. 
     
    Nếu người được ta giúp đỡ có vô ơn, bội bạc thì ta cũng chẳng nên phiền muộn lâu. Ít ra thì cũng tốt cho cá nhân người được giúp. Phàm đã làm từ thiện thì không tính toán chi cho đầu óc nó hẹp hòi. Bạn có quyền từ chối làm việc tốt. Một khi đã làm rồi, thì phải có lòng tin. Đã cho đi mà còn tức giận thì bạn đã giúp đỡ không có vô tư. 
     
    Đến tận cùng của sự suy xét, Phật hay Chúa hay thượng đế hay cái THIỆN trong tim mỗi con người cũng chỉ là một. Đó là đức tin sâu thẳm mà nếu bạn không có, bạn sẽ không thể làm nổi bất cứ cái gì. Để tôi kể bạn nghe chuyện này. Có 1 người doanh nhân bỏ quên chiếc điện thoại rất đắt tiền trên xe taxi. Ông liền gọi theo số máy của mình, đối phương nghe xong liền cúp máy. Ông gửi tin nhắn bày tỏ, muốn "mua lại" chiếc máy của mình với giá 2000 đô. Một tiếng đồng hồ sau, ông nhận được tin hẹn để trả lại chiếc điện thoại từ số máy di động của người tài xế taxi. Khi ông đến gặp, anh tài xế đưa ĐT cho ông xong thì từ chối lấy tiền chuộc và quay lưng bỏ đi. Sau khi nghe kể, phóng viên gọi điện cho anh lái taxi thì nhận được câu trả lời: "Thật ra là tôi không có ý định trả lại, nhưng sau khi xem các tấm ảnh và nội dung tin nhắn trong máy, phát hiện chủ máy di động này vừa đóng góp một khoản tiền lớn cho khu vực động đất ở nước ngoài dù đang lúc làm ăn thua lỗ, tôi rất cảm động. Tôi không thể thấy lợi mà quên nghĩa, không thể đối xử với tình thương bằng lòng tham". 
     
    Thật may cho ông bác sĩ và người doanh nhân vì cả tên cướp trong câu chuyện trên và anh lái taxi được kể trong đề bài đều “không thể đối xử với tình thương bằng lòng tham của mình”. Sự may mắn ấy của một con người không phải đến một cách tình cờ mà nó được tích lũy bởi lòng chân thành và tình thương. Có thể số phận của ông bác sĩ là sẽ chết vào đêm đó, nhưng thần chết đã bỏ đi trước tình thương của ông với đồng loại. Bạn ạ, tình yêu thương có thể lay động cả đất trời. 
     
    Chúng ta bất kể giàu nghèo, sang hèn đều gắn kết với nhau chính nhờ sự cho đi. Sự cho đi của những Bill Gates, Warren Buffett hay ai kia mà chúng ta đang gắn kết với nhau ở đây thường vĩ đại và có thể thay đổi thế giới. Chúng ta có thể không (hoặc chưa) làm được những điều như họ, nhưng chúng ta vẫn có thể cho đi bằng những điều nhỏ bé hằng ngày. Đó có thể đơn giản là nụ cười với người bán hàng, một lời cám ơn chân thành với người lao công trên phố, là biết chia sẻ công việc nhà, là biết xếp hàng, biết bỏ rác vào thùng, dọn dẹp gọn gàng bàn ghế trong quán cà phê quán ăn trước khi đứng dậy. Biết nhường ghế cho một cụ già trên xe buýt. Cho người ở quê trú đỡ khi đi thi hay lên thành phố trị bệnh, chỉ dẫn cho người trẻ cơ hội học hành hay việc làm. Mở một lớp dạy tiếng Anh miễn phí ở quê nhà. Gửi vài gói hạt giống cho đồng bào miền núi. Những khi có thể, chúng ta nên làm những việc rất nhỏ, vậy thôi. Nếu tất cả mọi người đều biết sống cho đi, ắt hẳn tất cả sẽ nhận lại thiên đường, ngay giữa thế gian này. Hãy nghĩ thiện về mọi người. Đừng nghĩ họ xấu mà tâm tư bất an. Giả sử họ có lấy cái gì đó của mình thì mình chịu mất. Mất cái này thì được cái khác. Bạn cứ tin điều đó đi, dẫu không dễ dàng gì. 
     
    Người ta sẽ nói sao trẻ con và lý thuyết đến vậy. Đời đâu phải màu hồng, người ta lấy cái gì của mình là người ta được, mình mất. Đâu ai ngu đến nỗi mất mà không tiếc, phải phòng ngừa trước, nghĩ xấu trước cho nó an toàn. Khi mất phải chửi bới, hận thù, cố giành lại bằng mọi giá. Nhưng bạn có thể nghĩ khác. Bút màu trong tay, ai cũng có quyền tự tô màu cho cuộc đời của riêng họ. Tôi chọn sự im lặng, sự bỏ qua và chọn màu hồng để tô màu cuộc sống và góc nhìn của tôi. Còn bạn chọn màu gì thì quyền của bạn. 
     
    Israel là quốc gia thú vị nên đến 1 lần trong đời, tour bao nhiêu tiền cũng đừng có tiếc. Vì khi đến đó, chúng ta có thể thăm hai biển hồ. Biển thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống cũng bị bệnh. Biển hồ thứ hai là Galilê. Nước ở biển Galilê lúc nào cũng trong xanh, con người có thể uống mà cá cũng có thể sống được, cây cối tốt tươi. Điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết, biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển Chết mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó mà tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người. 
     
    Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng. Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ cho riêng mình. Người kém may mắn hay một đời cô quạnh vì họ ích kỷ. Không chịu cho đi vì sợ mất, thì sẽ mất. Được và mất, sở hữu thì chỉ là khái niệm của hư không. 
     
    Bạn có thể nghĩ khác, làm khác từ hôm nay?
    TnBS