Thành Nha XYZ
    • Ăn trưa cùng Tony
    Ăn trưa cùng Tony
    (Today a reader, tomorrow a leader!)

    Hai chuyến bay đêm

        48.294    4.9/5 trong 5 lượt 
     Hai chuyến bay đêm
    Trên chuyến bay đêm từ Los Angeles đến Tucson, mình ngồi cạnh 2 mẹ con người Mỹ nọ. Khi biết mình đến từ Việt Nam, họ nói ngày xưa danh xưng Việt Nam có nghĩa là chiến tranh (vì cuộc chiến khốc liệt nói mỗi ngày trên báo chí radio tivi), bây giờ là quốc gia sản xuất và là điểm đến cho du lịch
    1. Trên chuyến bay đêm từ Los Angeles đến Tucson, mình ngồi cạnh 2 mẹ con người Mỹ nọ. Khi biết mình đến từ Việt Nam, họ nói ngày xưa danh xưng Việt Nam có nghĩa là chiến tranh (vì cuộc chiến khốc liệt nói mỗi ngày trên báo chí radio tivi), bây giờ là quốc gia sản xuất và là điểm đến cho du lịch. Bà mẹ nói tao thích quần áo Made in Vietnam vô cùng vì đường may sắc sảo. Thằng cu con chị ấy kéo cái đính Made in Vietnam ở cổ áo cho mình coi. Hai mẹ con nói cười làm mình tự hào quá, không ngờ những giọt mồ hôi của công nhân nước mình lại có thành quả rạng ngời, được bạn bè quốc tế đón nhận hồ hởi. 
    Đồ may mặc ở Mỹ thường bày ở mall, ở outlet, người Mỹ tới coi thấy Made In Vietnam bên trong giày dép quần áo là yên tâm. Việt Nam bây giờ là số 1 thế giới về may đẹp. Chính vì vậy mà từ vị trí ngang bằng với Mexico, chúng ta đã có bước nhảy vọt về lượng quần áo cung cấp cho nước Mỹ, doanh số từ 1 tỷ đô năm 2001 đến nay đã hơn 10 tỷ đô, chiếm hơn 11% thị phần. Khắp nơi trong ngành dệt may của thế giới, người ta râm ran về việc Việt Nam sẽ soán ngôi Trung Quốc thành quốc gia may cho người Mỹ mặc. Mà nào chỉ có người Mỹ, bao nhiêu người đến Mỹ du lịch học tập hàng năm, quà họ mua về nhiều nhất chính là quần áo hiệu. 
    “May cho Mỹ mặc” là một ước mơ của rất nhiều nước, vì đổi lại là chục tỷ trăm tỷ đô la chảy về. Người Mỹ tiêu dùng nhiều và nhanh, hầu như họ mặc cỡ 1 năm là bỏ, mua mới. Rồi việc Việt Nam “may cho thế giới mặc- tailor the world” sẽ trở thành hiện thực. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta đã đạt mức gần 35 tỷ đô. 
    2. Trên một chuyến bay đêm khác đi Srilanka, mình có quen 2 cô bạn tên Thu và Tuyết. Cả hai đi sang phụ trách quản lý chất lượng cho một nhà máy gia công lớn cho thương hiệu sang chảnh. Hai bạn kể, hai bạn tốt nghiệp ngành dệt may một trường cao đẳng nghề ở Quy Nhơn. Lúc tập đoàn Nhật nọ tuyển QC (quality control), hai bạn dù tiếng Anh cũng bập bẹ thôi nhưng tự tin ứng tuyển. Hai bạn được họ tuyển vô vì chuyên môn về dệt nhuộm đã được học. Một bước phỏng vấn, hai bạn đã vào một tập đoàn lớn làm việc trong ánh mắt ngỡ ngàng của bạn học cấp 3, nhiều đứa học quản trị kinh doanh, thương mại, kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ…nhưng giờ vẫn thất nghiệp hoặc làm việc gì đó không liên quan đến chương trình học, vì không có nghề gì. Hai bạn vô phụ trách việc kiểm hàng trước khi xuất, theo dõi nhà máy may đúng theo mẫu đã gửi, duyệt thì hàng mới được đóng container. Theo chân mấy đồng nghiệp nước ngoài, nghề dạy nghề nên các bạn càng ngày càng giỏi. Để nâng cao trình độ, hai bạn xin nghỉ 2 tháng, bỏ cả chục triệu vào một khoá tiếng Anh tập trung, tắt máy tắt ĐT, phải đầu tư để bắt cá lớn. Sau 5 năm làm cho tập đoàn Nhật, hai bạn sang làm cho công ty Mỹ phụ trách cả ở Cambuchia. Giờ công ty cử bạn qua quản lý và đào tạo cho người Srilanka. Hai bạn nói lương tụi em là lương của người có nghề đó anh, làm ở Mỹ hay ở bất cứ đâu cũng như nhau. Em sang Srilanka 2 tháng sau đó sẽ sang New York họp, rồi triển khai nhà máy ở Myanmar, đi lại như con thoi ở các nước công ty đặt gia công. Ước mơ hai bạn là sau mười năm làm thơ (ý nói làm thuê, hai bạn vẫn phát âm nặng, làm mình tưởng hai bạn ấy có tâm hồn thơ văn những mười năm qua), hai bạn sẽ về quơ (quê) ở Phú Yên mở một xí nghiệp may Lady Py-ja-ma để xuất khẩu (mình nghe Lay-đi bi-gia-ma tưởng Osama bin-la-đen), ai cũng phải đóng góp cho quê hương, một cái nhà máy giúp dân có việc làm là cách đóng góp ý nghĩa nhất. 
    Mình tin rằng hai bạn sẽ thực hiện tốt giấc mơ của mình. Vì các bạn có vốn tích luỹ, có kiến thức được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm làm việc tuyệt vời, có quan hệ quốc tế…chỉ còn chút may mắn và có đầu óc quản lý nữa là cất cánh.
    3. Thực tế bây giờ, ở các tập đoàn thương mại lớn của nước ngoài đặt tại Việt Nam, phòng textile (dệt may) luôn đông nhân viên. Nhiều văn phòng làm ca đêm để giao dịch với bên Mỹ, Canada. Vị trí phụ trách xuất khẩu mặt hàng này gọi là “(garment) merchandiser”, ngày xưa toàn dân kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ…vô làm, toàn mày mò tự học. Bây giờ họ tuyển toàn dân tốt nghiệp trường chuyên môn, ví dụ như dệt may ĐH Bách Khoa, cao đẳng dệt may Vinatex, ĐH dệt may công nghiệp Hà Nội, cao đẳng dệt Nam Định, các trường cao đẳng trung cấp nghề ở các tỉnh....(search thêm giùm). Tiếng Anh các bạn này chỉ kha khá chút là nhận vô, đào tạo ngoại ngữ dễ hơn đào tạo chuyên môn. Dù sao các bạn cũng đã 3-4 năm phân biệt dệt thoi dệt kim, sợi các loại, phối màu nhuộm vải, đường kim mũi chỉ, thực tế từng ngồi đạp máy may, từng cắt vải, từng vẽ mẫu trên máy tính ào ào nên nhận vô dễ làm việc lắm.
    Các bạn trẻ yêu thích thời trang nên suy nghĩ thật kỹ. Nếu đam mê, chúng ta nên học chính quy nghề này. Một số trường đã mở khoa Thiết Kế Thời Trang dành cho các bạn có óc mỹ thuật, ví dụ như ĐH Nghệ Thuật Huế. Rất tốt. Nhớ là vừa học kiếm 1 cái nghề, vừa chăm chỉ cày tiếng Anh (cái này ai cũng muốn nhưng rất ít người làm được do thiếu ý chí) thì tương lai các bạn đi Mỹ đi châu Âu đàm phán ký kết hợp đồng như đi chợ. Sau chục năm làm lương Mỹ ngay trên đất Việt, tích luỹ thành những “cô chủ nhỏ”, dù là cái xưởng may mặc vài ba chục công nhân để bán nội địa cũng được. Vì gu ăn mặc mình sành quá, kinh nghiệm quốc tế quá nên đồ may ra nhìn sang ơi là sang. Nhãn hiệu dệt may Tuyết, dệt may Thu…trông quý phái như hàng hiệu ở Milan thì hỏi ai chịu cho nổi?
    4. Cái Thu nói với mình lúc xuống sân bay ở Colombo khi được hỏi về lời khuyên với các bạn trẻ: “Trầu quâu tuổi trẻ là phải có ngờ”. Mình tưởng là nghi ngờ nên nói trời ơi, tuổi trẻ phải có đức tin chứ, ai có lòng nghi ngờ thường khó mà thành tựu, nghi ngờ thì chần chừ do dự sợ mất nên cơ hội trôi qua hết. Cố mới lật đật đính chính, ý em "hống có phái như dẫy" (dịch: không phải như vậy), "ý em là túi tré (tuổi trẻ) phải có ngờ nghiệp chuyên môn". 
    Mình liền đáp: “Rầu, rầu hiểu rầu. Thâu thâu làm liền. Phải có ngờ phải có ngờ”. Mình cũng có thời gian sống "ở quảy" nên cũng rành sáu câu dzọng cổ. 
    Dẫy ngheng mí bạn.
    Tony Buổi Sáng

    Quảng cáo

    Links: Hoàng Bảo Khoa, Tự học mỗi ngày, Làm người khó, Mixer