Thành Nha XYZ
    • Ăn trưa cùng Tony
    Ăn trưa cùng Tony
    (Today a reader, tomorrow a leader!)

    Nỗi buồn gác trọ

        42.788    4.08/5 trong 6 lượt 
    Nỗi buồn gác trọ
    Hồi Tony còn đi học ở bển, lớp hay chia thành các nhóm nhỏ để debate (tranh luận). Giáo dục các nước bây giờ, môn tranh luận là môn học chính cho học sinh từ cuối cấp 1. Một bên đóng vai bảo vệ, một bên phản đối, hai bên nói sao cũng được, miễn hợp lý, đưa bằng chứng và lý lẽ thật nhiều thì càng có điểm. Môn học này là môn cực kỳ thú vị khiến học sinh sinh viên rất thích đến trường. Hy vọng là các trường ở VN cũng hội nhập với xu thế này sớm.
    Có lần trong môn Leadership (kỹ năng lãnh đạo), Tony ở một team nọ. 30 phút debate, nhưng bên Tony tranh luận lại mới có lần thứ 3 thì bên kia phất cờ trắng, xin thua. Tony sau này đem thắc mắc ra hỏi, anh bạn team kia nói tại tao thấy trong team mày có 2 người châu Á phát âm tiếng Anh không phải bản xứ, tao mới nói vài câu mặt mũi mày đã đỏ, tay cứ thò cái micro chực cắt ngang, nên tụi tao kết thúc sớm, kẻo biến thành màn cãi nhau trên giảng đường. Anh nói, từ nhỏ, ba mẹ thầy cô khuyên là khi sang châu Á, hoặc làm việc với người châu Á (không phải sinh ra ở phương Tây), hạn chế tranh luận với họ. Chỉ nên ca ngợi, ngợi ca. Còn nếu chẳng may mình bị họ phê bình thì xin lỗi ngay và im lặng. Đặc tính nổi bật của dân Á châu là rất giỏi nhìn thấy khuyết điểm, điểm yếu người khác nhưng không nhìn được bản thân mình. Mỗi khi mình bị người khác nói điểm xấu, điểm yếu thì lộn gan lên đầu. Ai chê họ 1 lần là họ nhớ miết thậm chí trả đũa trả thù. Còn lỡ chê họ trước mặt đông người thì thôi rồi, họ sẽ “sống mái một phen”, vì cái tôi, cái sĩ diện họ lớn. Họ lo sợ nhất trong giao tiếp chính là “lose face” (mất mặt). Rất đông người châu Á không chấp nhận sự khác biệt, thấy ai khác mình là lập tức khó chịu. Họ dạy nhau, giao tiếp khôn ngoan là “tốt khoe xấu che”, tức cái gì tốt thì loan báo rộng rãi, cái gì xấu thì giấu kín bưng. Sai lầm, cái xấu không được nói ra công khai, phải “đóng cửa bảo nhau”. Nhưng họ lại có sở thích hóng hớt và bàn chuyện cá nhân, bàn chuyện “người” hơn là chuyện “việc”. Một người nổi tiếng, ví dụ ca sĩ, nhà văn người ta ít để ý giọng hát câu văn (việc) mà quan tâm hơn cả là chuyện cá nhân gia đình (người). Một bên đóng cửa, 1 bên hóng nghe, thì chuyện gì sẽ xảy ra, chắc mày cũng đoán được. Họ trọng sĩ diện nên phải vô cùng khéo léo. Trong quán cà phê, tụi mày nói to thì tụi tao rút. Không qua góp ý kiểu "lower your voice please", sẽ bị ăn đòn ngay. Quê thì khó huề. Làm việc với châu Á nên khen, như khen trẻ con ấy, để được việc. Khen thì kêu chết nó cũng vừa tủm tỉm vừa cười vừa chết.
     
    Tony mới nhớ có lần Tony nấu cơm đãi tụi nó ở nhà trọ. Đồ ăn cũng thường mà cả chục đứa nói “so yummy” thậm chí đứa khó tính nhất cũng gật gù bảo “nát bét” (not bad), giơ ngón tay cái lên khen kiểu mày là số 1. Tony vui sướng tê tái, dù sau đó một mình đứng rửa chén tới 2h sáng, vừa rửa vừa hát "gác lạnh về khuya cơn gió lùa...". Giờ coi lại hình cũ, thấy trong tiệc đó hem có ăn miếng nào, cứ ngồi cười miết như thằng khùng.
     
    Lúc mới qua bển, Tony đúng là cũng hay chỉ trích người khác. Thấy khác những gì mình nhận thức xưa nay là lên giọng, toàn "you are totally wrong" (mày hoàn toàn sai). Cái tụi nó sợ hãi nói “I am so sorry” xong lén lén biến mất, lần sau gặp mình, tụi nó cũng cười tươi nhưng trò chuyện qua loa chứ không nhiệt tình nữa. Mình thì chồm chồm lao tới, xoáy vô hỏi thăm chuyện cá nhân, hỏi bồ bịch vợ con, hỏi thu nhập, hỏi xe hỏi nhà, hỏi cha hỏi mẹ, quần áo tóc tai, tình yêu tình dục, ý kiến về con A thằng B thế nào…, mấy cái tò mò tọc mạch nhưng lúc đó mình nghĩ là quan tâm. Thậm chí vô duyên leo cả lên xe mới tụi nó nổ máy đi thử. Nó đưa điện thoại coi 1 tấm hình là quẹt quẹt coi mấy tấm hình khác có trong ĐT, vô duyên đến cùng cực. Chưa kể là ngồi chơi, cứ giơ ĐT lên chụp tụi nó, chả xin phép gì. Nên gặp mình là tụi nó cứ nhìn đồng hồ rồi nhìn lên trời xuống đất, rồi kiếm cớ chuồn. Tony cứ chưng hửng miết. Hoá ra cái văn hoá xưa giờ của mình đem ra quốc tế, hem giống con giáp nào. Tony cũng hay lấy mấy chuyện đang thu hút view, like và bình luận trên Facebook Việt Nam, dịch gửi qua bạn bè quốc tế, tụi nó đọc rồi bỏ qua, không like không share không quan tâm. Chưng hửng offline lẫn online. Hem sao cùng chủ đề được.
     
    Thôi hát tiếp để liên tục mạch vô duyên chứ coi chừng viết có duyên lại, độc giả iu quá iu thì chớt.
     
    "Gác lạnh về khuya cơn gió lùa 
    Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa 
    Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt 
    Lá vàng nhè nhẹ đưa 
    Tưởng như bước lê hè phố...
     
    Hem liên quan gì đến bài viết, vô duyên bắt ớn.
     
    2014.
    Theo TNBS

    Quảng cáo

    Links: Hoàng Bảo Khoa, Tự học mỗi ngày, Làm người khó, Mixer