Thành Nha XYZ
    • Ăn trưa cùng Tony
    Ăn trưa cùng Tony
    (Today a reader, tomorrow a leader!)

    QUẢN bản thân, TRỊ người khác

        8.496    3.89/5 trong 12 lượt 
    QUẢN bản thân, TRỊ người khác
    Học xong cấp 3, khi bản thân không có gì đặc biệt (tức không có năng khiếu gì nổi trội để vào các trường chuyên môn cao như âm nhạc, múa, điện ảnh, kiến trúc, văn hoá nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục,...), mà cũng ngại học khó, học sinh thường chọn quản trị kinh doanh (QTKD), với niềm tin ngây thơ rằng học ra sẽ làm giàu được, làm chủ được. Mình đi theo chân một buổi hướng nghiệp ở một trường cấp 3 nổi tiếng, tham dự buổi hướng nghiệp ngoài giáo sư các ĐH, còn có mặt các nhà khoa học và các doanh nhân, để các góc nhìn của họ khách quan. Và sau đây là một số đúc kết.

    1. Ai nên học QTKD?

    Nếu là người vô cùng sâu sắc trong nhận thức, có khả năng học toán, triết và logic cực giỏi, có khả năng hùng biện và viết lách, có khả tổ chức sắp xếp và hướng dẫn người khác(1). Nếu có đầu óc phóng khoáng, cởi mở, cầu tiến; có chí khí cao ngất,không ủy mị tình cảm, nhưng cũng không khô khan thực dụng: chịu chơi, chơi đẹp, hào sảng, nghĩ lớn: tháo vát, biết quán xuyến từ nhỏ, tính cách độc lập, có cá tính(2). Sở hữu tính quyết đoán mạnh mẽ, nói phát làm ngay, đi ngay, sẵn sàng buông bỏ cái cũ ngay, ưa mạo hiểm, chịu rủi ro, không bị tâm lý chắc ăn nhược tiểu(3). Đầy đủ (1)+(2)+(3)=> NÊN HỌC.

    Để học QTKD thành công, bạn trẻ phải dấn thân TRẢI NGHIỆM, hiểu rõ chữ DẤN THÂN. Phải chấp nhận làm mọi thứ từ lau dọn toilet đến lao công, đến bưng bê, tài xế, công nhân, PHẢI làm thêm để kiếm tiền đi học. Sinh viên quản trị mà xin tiền cha mẹ thì xong, hết phim. Những tháng ngày làm thêm rèn cho họ cái thông minh đường phố ( street smart), để có thể DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN với đủ loại người, hạng người. Và tập tính thích nghi. Thả ở đâu cũng sống được. Ăn cái gì, ngủ ở đâu cũng được.

    Làm chân tay nhưng chỉ là tạm thời. Họ làm việc với cái đầu nên làm rất tốt. Trong quá trình làm, họ sẽ nghĩ ra, cải tiến cách làm sao cho nhanh hơn, đẹp hơn, hiệu quả hơn, ít tốn năng lượng hơn. Rồi họ đi lên từ từ, vì lãnh đạo phải từ cấp thấp nhất đi lên mới lãnh đạo giỏi. Họ hiểu được tâm tư nguyện vọng của từng vị trí, từng nhân viên, vì họ cũng đã từng. Dù có học ngành khác, họ cũng tự mày mò rút kết kinh nghiệm quản trị, và dần thành quản lý. Dù bỏ học vẫn làm chủ, làm sếp. HỌ SINH RA ĐỂ QUẢN CÔNG VIỆC VÀ TRỊ NGƯỜI KHÁC.

    2. Ai không nên học QTKD?

    Con nhà “chỉ ngồi vào bàn học, giải đề thi, luyện đề, bạn thân là máy tính, ipad”, vừa hết cấp 3 xong, cắp cặp đi học QTKD: không nên. Hàng tháng mẹ cho 3 triệu xài thì làm sao hiểu được “quản trị tài chính”, “dòng lưu kim lưu vốn”. Bạn bè toàn tự sướng facebook thì hiểu gì về “quản trị nguồn nhân lực”. Chưa lao động chân tay bao giờ thì sơ đồ Gantt trong môn Quản trị sản xuất là cái gì đó vớ vẩn. Tháng nhận từ mẹ 5 triệu nhưng mới nửa tháng phải bịa ra lý do để xin thêm tiền, thì ngồi đó mà phân tích điểm hoà vốn. 18 tuổi trở lên rồi mà còn phụ thuộc cha mẹ, có nghĩa là “QUẢN” bản thân chưa xong, thì không thể “TRỊ” người khác. Học xong chữ nghĩa trả hết, không nhớ vì không hiểu. Có 1 bạn con nhà giàu, học xong cấp 3, xong học QTKD rồi về thay cha mẹ quản lý nhà máy, không hiểu vì sao anh tài xế hôm đó mặt mũi buồn bã vừa lái xe vừa đạp thắng (phanh) miết để mình ói mật vàng trên mật xanh. Có lần bạn xuống xưởng hỏi “chời ơi, nhiệt độ nóng vậy mà anh chị ngồi đạp máy may cả ngày hay vậy, để em lắp máy lạnh cho mát nha”. Công nhân vui vẻ hớn hở, nhưng tiền điện tăng làm giá thành cái áo cái quần tăng lên, không xuất khẩu được nữa, tháng sau thì mất việc, nhà máy đóng cửa còn bạn thì xin tiền cha mẹ đi du học thạc sĩ.

    3. Học QTKD lúc nào?

    Học QTKD không khó, lúc nào cũng được, 60 tuổi học vẫn vô. Nhưng 25 tuổi rồi thì học kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, cơ khí, nông nghiệp…rất khó. Nên nếu mình vẫn đam mê QTKD mà chưa có những tố chất trên, nên học ngành khác thành bằng 1. Sau khi tích lũy đủ các điều kiện trên, đăng ký học QTKD bằng 2 vẫn không muộn.

    Học sinh trung học nước ngoài có học ngành QTKD? Có. Thứ nhất là dạng cực kỳ xuất sắc, có tố chất lãnh đạo từ bé, tự vay tiền, tự làm thêm mà đi học. Trường hợp thứ 2 là cha mẹ nó có cơ ngơi công ty nhà máy, nó vừa học vừa tham gia quản lý.

    Các chương trình MBA, tức thạc sĩ quản trị kinh doanh của các ĐH uy tín đều bắt buộc ứng viên sau khi tốt nghiệp ĐH phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm đi làm. Bằng ĐH ngành gì cũng được, kỹ sư càng được hoan nghênh, vì sẽ trở thành nhà kỹ trị.

    Giáo dục phổ thông, tức xong lớp 12, là giáo dục bắt buộc, ai cũng phải có, trừ hoàn cảnh đặc biệt. Còn các chương trình học sau đó, là sự LỰA CHỌN CỦA MỖI CÁ NHÂN.

    4. Học QTKD để làm gì?

    Hiện tại, khắp nơi trên thế giới, có hiện tượng lạm phát bằng cấp. Nước nào cũng mở nhiều ĐH, đặc biệt các ngành như kinh tế, quản trị, tài chính, tâm lý…Cứ xây cái phòng học và vài ông thầy cầm micro nói là xong. Các ngành khác thì phải có phòng thí nghiệm, xưởng thực địa này nọ…đầu tư tốn kém, sinh viên lại không thích học vì “không nhàn”. Có cầu thì có cung. Sinh viên QTKD ra trường ào ạt, kẻ ngáo ngơ nhiều hơn người biết làm việc, là hiện tượng khắp nơi trên thế giới. Khác với tuổi trẻ phương Tây trưởng thành ở tuổi 18, tuổi trẻ châu Á trưởng thành về nhận thức ở tuổi 22. Lúc đó họ mới nhận ra “cái nghề là cái quan trọng”, bèn đăng ký liên thông ngược, thường là vào trung cấp nghề, học cho nhanh. Ở Anh, rất nhiều tài xế taxi, tiếp tân khách sạn, đầu bếp…gốc Ấn Độ, Trung Quốc có bằng MBA.

    Nhật, Canada, Úc, Mỹ, Đức…gần đây mở cửa nhập công nhân lành nghề từ các nước khác, gọi là diện tay nghề (skilled worker). Họ không nhận cử nhân quản trị hay kinh tế. Vì nước họ cũng thừa nhóm này. Thị trường chứng khoán New York, ngân hàng London, Tokyo... không nhận sinh viên tốt nghiệp ĐH kinh tế nào đó của Việt Nam, nhưng nhà máy Boeing có thể nhận kỹ sư hàng không của bất cứ ĐH nào trên thế giới để thực tập (nếu biết tiếng Anh tốt thì kỹ sư bất kỳ ĐH Campuchia, Lào, Myanmar, Vietnam, Thailand...đều được welcome).

    Tóm lại, ngành QTKD là nghề lãnh đạo, chỉ dành cho bạn trẻ có tư chất và chịu làm, dám làm. Nếu đam mê kiếm tiền nhưng chưa có tố chất, có thể chọn các nghề cụ thể, ví dụ kế toán, xuất nhập khẩu, chứng từ văn phòng, thư ký, tiếp tân, marketing, bán hàng, toán kinh tế, thống kê, bảo hiểm, vận tải, logistic, du lịch, kiểm toán,… Khối ngành kinh tế dành riêng cho những bạn yêu thích làm ăn, khỏe mạnh, năng động, thích giao tiếp, hướng ngoại, kỹ năng đàm phán xuất sắc, trí nhớ và tính toán chính xác. Làm kinh tế, sai 1 con số, 1 dấu phẩy, phải đền tiền hoặc đi tù. Riêng ngành quản trị KD, đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp, “lãnh” nghĩa là dẫn, “đạo” là đường, lãnh đạo là người dẫn đường, CEO phải đưa doanh nghiệp làm ăn có lãi, phải đảm bảo việc làm cho người lao động. Mình như con hươu đầu đàn, phải tìm bãi cỏ tốt cho cả đàn mình no bụng. Gồng gánh trên vai đầy trách nhiệm, cực khổ nhưng vinh quang.

    "Quản" bản thân tốt thì mới "trị" được người.
    Tony Buổi Sáng

    Quảng cáo

    Links: Hoàng Bảo Khoa, Tự học mỗi ngày, Làm người khó, Mixer