Năng suất lao động là yếu tố quyết định sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Thế giới phẳng rồi, các hiệp định như Tê pê pê (TPP) ra đời sẽ khiến hàng rào thuế suất trở về 0, doanh nghiệp cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Tư duy mỗi cá nhân người lao động phải thay đổi để có thể tồn tại, nếu không sẽ biến thành thị trường tiêu thụ và phụ thuộc người ta.
Như ở Venuzuela, người dân ở đó không thích sản xuất, chỉ thích mua sắm và nhập khẩu để dùng, nên nền kinh tế nước này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung bên ngoài. Việc khan hiếm hàng hóa luôn xảy ra, vào siêu thị mua đồ cũng phải tranh giành kẻo hết.
Trong doanh nghiệp, đầu ra là cái quan trọng nhất. Dù là DN sản xuất hay dịch vụ, nếu không có đầu ra, tức không bán được hàng, doanh nghiệp đó sẽ phá sản. Muốn bán được hàng, thì nhân viên bán hàng phải có tư duy hết sức nhạy bén, thông minh, giỏi giang. Đội ngũ bán hàng là quân tinh nhuệ, quân tiên phong, tiền tuyến…còn hậu phương là sản xuất, vận tải, kho bãi, marketing. Và nhất nhất phải hướng đến xuất khẩu, thị trường 7 tỷ dân bên ngoài mới là nơi thi thố tài năng. Chọn nghề bán hàng thì càng đem ngoại tệ về thì càng giỏi.
Bạn
Tony làm ở văn phòng thu mua một công ty thủy sản của Mỹ cho biết, các nhân viên quản lý đơn hàng của Việt Nam rất thụ động, dù toàn tốt nghiệp ĐH ngoại thương, kinh tế, hay
ngoại ngữ. Các bạn học hành lý thuyết rất kinh, điều khoản Incoterms hay LC nào cũng biết,
tiếng Anh thành thạo nhưng tư duy thực tế không có.
Có lần công ty bạn thay vì đặt một món rất mới là cá ngừ ngâm nước muối đóng hộp. Mặt hàng này chỉ có người nội trợ làm ăn chơi chứ chưa có hàng công nghiệp. Bạn mail qua một loạt các đối tác đang cung cấp hàng cho bạn và so sánh thử khả năng bán hàng của của doanh nghiệp các nước. Bạn gửi cho một công ty thuỷ sản Việt Nam đang là đối tác lớn, bạn nhận được email trả lời vào ngày hôm sau là "chúng tôi chỉ có cá ngừ ngâm dầu, không có sản phẩm cá ngừ ngâm muối. Cám ơn. Lê Văn Tèo". Bạn gửi vào 2-3 công ty thủy sản nữa của Việt Nam, và bặt vô âm tín. Khi gọi điện lại hỏi, thì nhân viên tiếp tân kêu “chị cầm điện thoại để em hỏi ai nhận được email đó nha chụy. Sau 5 phút hỏi vang rền trong điện thoại, “Lan mày có đọc email gì của cái bà bên Mỹ đòi mua cá ngừ hem”, Lan nói “không có, mày hỏi con Tuyết đi”, rồi sau đó tiếng của Tuyết nói “tao có nhận, nhưng công ty mình làm gì có cá ngừ ngâm muối, nên tao không có trả lời”. Sau đó tiếp tân nói lại “dạ có chị, nhưng bên em không có sản phẩm đó, chị mua chỗ khác đi nha”. Rồi tiếp tân vội vàng cúp máy, rủ cái Lan cái Tuyết ăn xoài chấm muối ớt bàn chuyện Hồ Ngọc Hà.
Bạn bên Mỹ gửi nhu cầu trên sang một công ty Thái Lan. Chỉ đúng 1h, bạn nhận được email trả lời. Bức meo viết "mặt hàng cá ngừ ngâm nước muối chúng tôi chưa sản xuất, nhưng chúng tôi muốn thử nghiệm. Bạn gửi quy cách, chúng tôi sẽ làm mẫu, nếu mẫu đạt, chúng tôi sẽ báo giá. Kob Khun. Kẹo La Thon".
Còn khi bạn gửi qua một công ty ở Quảng Châu, bạn nhận được phản hồi sau 30 phút. "Cám ơn đã hỏi hàng. Tôi vừa họp ngay với phòng kỹ thuật, họ xác nhận là làm được. Chúng tôi đã cho phòng thí nghiệm làm theo 3 công thức phổ biến trên mạng là 1% muối, 2% muối và 10% muối. Quý khách cho biết quy cách, chúng tôi sẽ gửi kết quả và báo giá vào cuối giờ chiều nay. Xie xie nị đã đọc meo. Lý Bội Bội". Vừa dứt lời, đâu mấy h sau, trên website công ty Quảng Châu này lẫn trên mạng thương mại alibaba hiện ra danh mục sản phẩm mới của họ là cá ngừ ngâm nước muối đóng hộp. Rồi họ tiến tới “cá ngừ ngâm đường, ngâm dấm, ngâm nước tương…”…đủ loại cả. Họ email, gọi điện sang Mỹ liên tục để ép mua...làm công ty Mỹ ấy sợ quá, phải bay qua ký hợp đồng độc quyền liền. Thậm chí nếu công ty Mỹ ấy ký với công ty Thái Lan, thì công ty Quảng Châu sẽ vẫn có thể nhận được đơn hàng từ các khách hàng khác, của nước khác. Cứ một hỏi hàng (inquiry) tới tay họ, thì không bao giờ thoát ra được. Thậm chí họ còn nhân lên hàng chục inquiry khác, họ tạo ra nhu cầu để bán hàng (create demand) của nhân viên bán hàng thông minh, giỏi giang, lanh lợi. Cứ thế, doanh nghiệp cứ càng ngày càng nhiều đơn hàng, nhiều mặt hàng mới, nhân viên ngày càng đông, nhà xưởng càng mở rộng ra, doanh số càng tăng cao, lương bổng cũng tăng theo ào ào theo cấp số bội. Vì toàn nhân viên như Lý Bội Bội cả.
Các bạn trẻ thân mến. Ngày nay, năng suất lao động không chỉ là sức khoẻ cơ bắp...mà còn là tốc độ và sự nhanh nhẹn, sáng tạo của tư duy. DN thuê một người Singapore, lương mấy ngàn / tháng nhưng yên tâm vì tiền nào của đó. Họ sẽ mang về cho công ty mấy chục ngàn/tháng, thậm chí mấy trăm ngàn đô. Khác biệt chỉ là TƯ DUY. Như ví dụ trên, nếu cậu Tèo hay cô Lan cô Tuyết biết thông báo cho ông giám đốc công ty về đơn hàng này, thì có thể ông ấy sẽ chỉ đạo khác. Khổ nỗi ông giám đốc này thuộc thế hệ cũ không biết tiếng Anh, cứ phụ thuộc mấy cô cậu kia. Cứ thấy các cử nhân thạc sĩ này từ sáng đến chiều ôm cái laptop gõ gõ...tưởng là làm việc chăm chỉ lắm, hoá ra chỉ chat chit facebook tào lao. Thấy sếp vô thì giả bộ làm việc tí, còn lại thì dí dỏm hài hước với đồng nghiệp trong văn phòng và bạn bè trên facebook cả ngày, coi tin tức và shopping online cả ngày. Cái gì cũng biết, cũng nói, cũng bình luận, bàn bạc. Chỉ có làm kiếm tiền là không biết.
Nhiều bạn thực tập sinh hay nhân viên thử việc vào vị trí bán hàng, mấy tháng trôi qua vẫn không có đơn hàng nào, bị công ty sa thải thì xõa tóc đứng khóc. Hỏi bạn nguyên nhân thì bạn nói tại công ty có vấn đề. Do ông giám đốc quản lý kém. Do ông chủ keo kiệt. Do bộ phận sản xuất chậm. Do hàng hoá mẫu mã xấu. Do chất lượng kém, không phù hợp. Do thị trường không ai mua. Tại khách hàng hỏi hàng nhưng không gọi lại. Tại em đi tiếp thị họ không tiếp. Tại lối giáo dục lý thuyết không chỉ em cách bán hàng (mọi ĐH hàn lâm trên thế giới không ai dạy
kỹ năng, kỹ năng tự tích luỹ qua thực tế làm thêm), vâng vâng và vâng vâng. Mọi nguyên nhân khách quan và do, bởi, tại, vì,...trong khi nguyên nhân duy nhất là DO MÌNH thì bạn không hề đề cập. Hàng xấu thì lao lên có ý kiến, bắt làm lại cho đẹp. Hàng giao chậm thì lao vô, điều khiển bộ phận sản xuất hay logistic, đổi phương thức giao hàng sao cho nhanh. Muốn ý kiến với ông giám đốc thì xin hẹn và vô trình bày. Phải tả xung hữu đột để ra việc chứ ngồi chờ bị động sao được.
Có bạn vô làm, cả tuần giao việc, ghi to-do list ghê gớm, rồi cuối tuần xem báo cáo đã làm được gì, bạn nói “gọi khách không bắt máy, meo khách không trả lời” nên “có gì báo cáo đâu anh”. Khách không bắt máy thì nhắn tin lại do khách sợ số lạ, sau đó mình gọi lại sẽ được. Hoặc meo không trả lời thì gửi lại, re-send miết, bên Mỹ bên Pháp cũng gọi điện qua, hỏi tại sao tao gửi mail báo giá mày không trả lời, why why, pour quoi pour quoi, wei shen me, wei shen me? Mình năng nổ vậy Tây Tàu gì không sợ hãi mà ký HĐ với mình? Nếu ở gần, cùng thành phố, cùng quốc gia thì trực tiếp bắt xe qua gặp, mặc áo dài trang điểm lộng lẫy vun vút lao sang, cười nói vui vẻ, ép họ mua hàng. Hoặc nhờ sếp dẫn đi, nhờ ai đó quen làm, mọi giá phải tiếp xúc để bán chứ sao nói vậy.
Cứ ngồi miết văn phòng với xoài xanh muối ớt và say đắm cái màn hình vi tính, cái Iphone trong túi quần cứ tít tít tin nhắn của bạn bè thì sao bán được hàng. Cuối ngày, hỏi team bán hàng, các bạn lại đồng thanh:
“Hôm nay khách lại hai không
Gọi không bắt máy, meo không trả lời”.
Ngây ngô cứ “hai không” đến cuối tháng, nhận lương mà vẫn vui vẻ cầm được, thật là lạ lùng không hiểu nổi. Mình đi làm mà, "làm" có nghĩa phải ra việc, phải có thành tựu…Còn mấy tháng trôi qua không có thành tựu gì, thì trung tâm giới thiệu việc làm thẳng tiến. Hoặc nhắn tin cho mommy "mẹ ơi, con sẽ về với mẹ ngay đây. Không cần đợi đến mùa xuân".
Đừng như Tèo, đừng như Lan, đừng như Tuyết, đừng như Thon.
Hãy như Bội. Be like Bội!