Mọi người thường chúc nhau may mắn, mình mới ngồi ngẫm lại xem coi may mắn nó tới từ đâu. Vì trước giờ mình cũng hay được bạn bè nói là gặp may mắn nhiều.
Bài viết trích dẫn từ Facebook của bạn
Nam Trương.
Bạn này xuất thân chuyên Lý trường chuyên Đồng Tháp, học kỹ sư ra trường lương mười mấy triệu/tháng nhưng chấp nhận đi vác chuối để sống 1 năm gap year. Nhân vật trong câu chuyện
Viết cho tuổi 22 vừa đăng trên
TnBS.
Các bạn theo dõi để thấy thanh xuân người ta đẹp hay nhạt nhé. Thanh xuân mà mình không dám đột phá thì khi có tuổi, có gia đình, sức khoẻ này nọ.....sẽ khó thực hiện được lý tưởng khi xưa.
Mời các bạn cùng xem trích dẫn lại bài viết của Nam Trương dưới đây nhé.
======================
Mình nghĩ lần may mắn nhất làm thay đổi cuộc đời là lần mình làm trên núi và tìm được Sư Phụ (Sifu)_ giống như Ngộ Không đi tìm Sư Phụ vậy á, nghe có vẻ chơi chơi mà là thiệt. Sifu là một vị cao nhân trên núi, trên tinh thiên văn, dưới tường địa lí nhận làm đệ tử. Trong đám đồ đệ được đào tạo, thì mình là đứa dở nhất mà Sifu thường nói là "ngu thái moẹ". Nhưng được cái may mắn là mình thường nghĩ mọi chuyện đơn giản nên Sifu đi đâu cũng cho mình đi theo, Sifu nói: "vì m suy nghĩ mọi chuyện đơn giản, nên mấy chuyện người ta thấy khó, m thấy bình thường và làm được".
May mắn lần nữa khi đăng kí được chương trình Israel trong đợt bổ sung lần cuối chỉ vài người. Trước khi đi Sifu dặn, bạn bè cùng xa quê, xa nhà thì anh em hỗ trợ, giúp đỡ nhau, ai khó khăn mà mình đủ rồi thì chia sẻ với nhau. Người Do Thái thông minh, qua đó kiếm thầy mà học làm ăn. Học người ta cách làm chân chính, bằng cái tâm, đoàn kết. Bạn bè chơi hợp với nhau thì rủ làm ăn chung thử, làm thử mấy cái nhỏ nhỏ, thấy hợp nhau mới làm lớn. Mình đàng hoàng thì sẽ gặp đàng hoàng, rồi Sifu kể cho nghe câu chuyện trước lúc lên đường:
"Hồi xưa Sahara là sa mạc được mệnh danh là một vùng đất chết, có đi không có về. Rồi một năm nào đó, có một đoàn khảo cổ đi vào sa mạc và đã phá vỡ “lời nguyền” (như Real Madrid phá vỡ lời nguyền cúp C1 vậy đó).
Chuyện kể, khi đó đi ở bất cứ nơi nào trong sa mạc cũng nhìn thấy xương người. Trưởng đoàn đã yêu cầu mọi người dừng lại, chọn nơi đất cao để đào hố chôn những bộ hài cốt này rồi dùng đá để làm bia mộ đơn giản. Tuy nhiên, xương người trong sa mạc thật sự quá nhiều, việc chôn cất đã chiếm thời gian quá dài so với kế hoạch ban đầu. Dần dà các thành viên trong đoàn bắt đầu chán nản, phàn nàn do vừa mệt, vừa thấy việc này chẳng có ích gì: “Chúng ta đến đây để nghiên cứu khảo cổ chứ đâu phải để thu dọn xương người“.
Vị trưởng đoàn kiên trì nói: “Mỗi bộ hài cốt đều từng là đồng nghiệp của chúng ta, mọi người làm sao có thể nhẫn tâm để họ phơi xương nơi hoang dã như thế này?”
Sau khi chôn cất xong những bộ xương thì cũng là lúc đoàn khảo cổ phát hiện được rất nhiều di tích cổ đại đủ gây chấn động trên toàn thế giới. Nhưng lúc họ rời đi, bão cát đột nhiên nổi lên (giống kiểu truyện Nhà giả kim vậy ak) mấy ngày liền không thể nhìn thấy mặt trời. Tiếp đó, la bàn cũng mất tác dụng. Đoàn khảo cổ hoàn toàn bị mất phương hướng, lương thực và nước uống cạn dần. Mọi người trong đoàn mất dần niềm tin về sự sống, xem như tuyệt vọng. Lúc này họ thực sự mới hiểu tại sao những đồng nghiệp kia không thể trở về.
Trong lúc nguy nan nhất gần như đã bỏ cuộc, mặc cho số phận an bày, vị trưởng đoàn đột nhiên nói: “Đừng vội tuyệt vọng, mọi người còn nhớ không, khi đến đây chúng ta đã để lại dấu hiệu dọc đường!”. Nó như tia nắng soi rọi trong ngày giông bão, một nguồn năng lượng vực dậy mọi người. Và thế là họ men theo những bia mộ đã lập trước đó, cuối cùng tìm được đường ra khỏi vùng đất chết. Về sau, khi trả lời phỏng vấn, các thành viên của đoàn khảo cổ đều bùi ngùi nói: “Lương thiện chính là thứ đã giúp chúng tôi thoát khỏi sa mạc!”
Trong sa mạc mênh mông, chính lương thiện đã thôi thúc cả đoàn làm một việc nhân văn và chính hành động đó đã giúp họ tìm được đường về."
Mỗi khi cảm nhận bản thân chệch hướng, sai mục tiêu, hay làm gì đó không đúng thì hãy nghĩ đến bài học này để tự điều chỉnh bản thân mình.
» Xem tiếp phần 2:
May mắn đến từ đâu tiếp theo