Với người có đầu óc tốt, việc đi hội chợ, dù chỉ có vài ba gian hàng thôi, họ vẫn tìm ra được cơ hội để hợp tác. Họ sẽ đứng coi kỹ một SP nào đó, coi từng chi tiết, từng dòng chữ trên đấy, và nảy ra ý định: cái này làm được, thương mại lại được, và thế là đặt hàng. Còn cũng có nhiều người, đi như cưỡi ngựa xem hoa, không tận mắt nhìn, không tận tay sờ, không hỏi han gì, không quan sát và nghĩ được gì....việc đi hội chợ chỉ là lãng phí thời gian và công sức, tiền bạc. Đi về, họ sẽ nói "hội chợ không hiệu quả, không học tập được gì,....". Học tập là quá trình chủ động quan sát và tự rút ra bài học, chứ ngoài thương trường, đâu có ai kêu lại ngồi xuống, bắt làm cái này cái kia, đọc cái này cái kia, đưa câu hỏi cho mình trả lời như ở trường lớp đâu.
Với người có đầu óc, các hội chợ, trong nước hay nước ngoài, là rất nên đi. Người sản xuất thì mang hàng trưng bày, người kinh doanh thì đến tìm cơ hội hợp tác.
Ngược lại, người không có đầu óc thì xin đừng. Chỉ là lang thang mỏi chân và đứng xớ rớ chiếm chỗ trong gian hàng của người ta. Đứng trong hội chợ, đứng trước SP mà não không nghĩ được gì, không biết sẽ phải làm gì tiếp theo, rồi về tiếc tiền khóc than vang dội, đòi lại tiền đền bù phiền phức người ta. Mình không có đầu óc thì an phận, đừng có tò mò bon chen. Não tốt thiệt tốt thì mới làm ăn.
Đi làm ăn khác với đi du lịch. Khác ở óc quan sát và năng lực cảm nhận, sau đó tiến hành triển khai.
1. Ở châu Á không người nào giỏi buôn bán làm ăn hơn người Quảng ở Quảng Châu hết. Lịch sử mấy ngàn năm giao thương đã có những bộ gene xuất sắc nhất về thương nghiệp nằm ở đây. Ai không đủ lanh lợi khôn khéo xuất sắc để làm thương mại thì làm sản xuất. Xung quanh Quảng Châu là hàng vạn nhà máy, cung cấp mọi thứ, cái gì cũng có.
Ở Quảng Châu, mỗi ngành có một cái chợ sỉ. Nếu mình mua lẻ thì họ sẽ chỉ qua cái gần bên. Có lần mình muốn mua 1 cái quần jean, mới lội bộ đến khu phố gì quên tên, toàn hàng quần áo. Người bán đứng trước cửa hàng vỗ tay liên tục và nói "mời vào mời vào, chúng tôi hôm nay có....", nhân viên bán hàng ở Quảng Châu tuyệt đối không được phép ngồi hay cầm điện thoại trong ca làm việc. Không có khách là phải đứng trước vỗ tay kêu gào đến khi có khách bước vô. Mỗi ca làm là 6 giờ đồng hồ.
Mình vô thì bạn ngưng vỗ tay, vào theo. Bạn hỏi mình nói tiếng gì, mình đưa hộ chiếu VN. Bạn liền móc cái ĐT ra, bật cái App "tôi nói tiếng Trung, sẽ phiên dịch ra tiếng Việt Nam, bạn thoải mái mua sắm". Bạn đưa cho mình cái 1 quần jean 1000 tệ, quy tỷ giá ra đô và tiền Việt, mình nói trời ơi mắc quá, thì bạn đưa 1 cái quần y chang chỉ có 500 tệ. Nhìn giống nhau, nhưng bạn treo lên bảng, bật cái đèn chiếu mô phỏng dưới ánh mặt trời, thì đúng là nhìn thấy khác hẳn. Bạn đưa mức chiết khấu cho 1 cái, 10 cái, 100 cái, 1000 cái, và cả 1 container, nếu cần mua nhiều thì sếp bạn sẽ tới khách sạn mình nói chuyện. Bạn nói cứ về VN, bạn sẽ ship tới trong vòng 3 ngày. Bạn nói, mày mua cho mày, nên mua loại tốt nhất, 1000 tệ, chất lượng thượng hạng, phải yêu bản thân mình, tự thưởng cho bản thân mình, mình xứng đáng được hưởng những gì tốt nhất. Nghe thuốc 1 lúc thì mình mua luôn cái 1000 tệ.
Trước khi ra thì bạn nói, mày có thể mua tặng bạn bè, y chang vầy mà chỉ có 100 tệ thôi. Xong bạn treo lên, nhìn bên ngoài có vẻ tương tự nhưng bật đèn rọi kỹ thì thấy khác. Đi xa về nên có quà tặng nhau, bạn bè sẽ quý, làm ăn không thể thiếu bạn, bằng hữu là tài sản lớn. Rồi hỏi về nội ngoại quan viên 2 họ, thầy cô giáo cũ, đồng nghiệp đồng môn....Họ khơi gợi mình về các mối quan hệ cần phải duy trì. Nghe thuốc xong, mình mua một đống nữa. Ba hôm sau về VN, vừa tới nhà thì hàng cũng bấm chuông ting ting trước cửa.
2. Tỉnh Quảng Đông chỉ có hơn trăm triệu dân nhưng GDP đạt mức xấp xỉ 2000 tỷ đô la Mỹ vào năm rồi (nước ta 470 tỷ, nguồn IMF), nếu tính riêng về kinh tế thì sẽ là nền kinh tế thứ 10 của thế giới, đã vượt Hàn Quốc và chuẩn bị vượt Canada. Thủ phủ Quảng Châu của tỉnh này có thể xem là chợ sỉ lớn nhất thế giới, muốn mua tận gốc bán tận ngọn thì đi đánh hàng Quảng Châu. Cái gì cũng có ở đây, người lanh lợi từ Ấn, các nước Ả Rập, các nước Đông Nam Á, thậm chí Úc Mỹ châu Phi....cũng đều đến Quảng Châu để tìm nguồn hàng.
Tháng 4 này họ có một hội chợ, gọi là Canton Fair (Canton là tên gọi khu vực đồng bằng sông Châu Giang, gồm Quảng Đông Quảng Tây Hongkong, tiếng Quảng là Cantonese, chữ viết giống như phát âm khác tiếng phổ thông gọi là Mandarin,
tiếng Anh nghĩa là ông quan, tức ngôn ngữ cho mấy ông quan ngày xưa nói với nhau, muốn làm quan phải học tiếng này, gọi là tiếng quan thoại). Hội chợ này lớn lắm, có tới 150,000 mặt hàng được trưng bày và có tới 60,000 gian hàng lận, kéo dài gần 1 tháng, chia ra các ngày. Ví dụ năm nay, giai đoạn 1 (15 - 19/4/2023) sẽ là máy móc thiết bị, giai đoạn 2 (23 - 27/04/2023) là nội thất xây dựng đồ, giai đoạn 3 (01 - 05/05/2023) là thực phẩm hàng tiêu dùng may mặc thời trang dược phẩm....Lớn lắm, cả thế giới đổ về nên thường giá phòng tăng gấp mấy lần, mà phải ở xa xa chứ gần gần là người ta đặt từ mấy năm trước rồi.
Hội chợ này hay, ai cũng nên đi. Sát nách VN nên đi đường bộ từ Móng Cái hoặc Lạng Sơn qua, đi tàu cao tốc rất nhanh và tiện lợi. Hỏi bạn Duy hay bạn Thông, 2 bạn có tổ chức nhóm đi, mình có thể ghép theo để tìm kiếm cơ hội (nếu thật sự có đầu óc quan sát và có năng lực làm ăn thì là đây là cơ hội siêu tốt). https://www.facebook.com/pham.minh.thong.69
Quan trọng nhất là học cái lanh lợi của người Quảng. Lanh lợi nên rất giàu. Giàu ghê lắm, đường phố phố Quảng Châu, Thâm Quyến sạch sẽ thơm tho cây xanh bóng mát hoa nở khắp nơi. Người dân được miễn phí giáo dục y tế công, do doanh nghiệp quá nhiều, nhà máy quá nhiều, nộp thuế quá nhiều, ngân sách thành phố lúc nào cũng dư thừa, chỉ lo sửa sang thành phố cho đẹp thôi. Người dân Quảng Châu Thâm Quyến thì lại thích đi bệnh viện tư, trường học tư hơn. Mua sắm ăn uống kinh khủng nhưng không ai dùng tiền mặt mà dùng mã QR với thẻ cư trú thông minh tích hợp. Họ nói phải tiêu tiền thì tiền mới phân bổ, chạy ra khắp xã hội, cả xã hội mới giàu.
Các bạn rủ nhau đi.
***** Với người có đầu óc, học là quá trình chủ động quan sát và tự rút ra bài học cho mình. Vào trung tâm mua sắm, vào chợ, lao vào mặc cả ....sẽ tự thấy cái hay trong cách thương mại của người ta. Đi hội chợ, gặp gỡ các nhà sản xuất và các công ty xuất khẩu, đàm phán, tìm kiếm cơ hội cho mặt hàng mới, xuất hoặc nhập, tìm mối mang đối tác bạn hàng. Người có đầu óc thì nên đi, và ngược lại.